Ngoài việc bị khởi tố bắt giam về hành vi chuyển nhượng 43 ha đất công trái quy định tại Bình Dương, gây thất thoát ngân sách, ông Nguyễn Văn Minh với vai trò làm lãnh đạo TCT Bình Dương còn chuyển nhượng khu 145 ha đất công khác với giá "bèo" cho doanh nghiệp có "hình bóng" của vị lãnh đạo này.
Lộ thương vụ "thâu tóm" khu 145 ha đất công
Với hành vi chuyển nhượng trái phép 43 ha đất công tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt TCT Bình Dương) và ông Trần Nguyên Vũ (Giám đốc TCT Bình Dương) bị khởi tố, bắt giam.
Theo đó, ngoài việc bị khởi tố bắt giam về hành vi chuyển nhượng 43 ha đất công trái quy định, gây thất thoát ngân sách, ông Nguyễn Văn Minh với vai trò làm lãnh đạo TCT Bình Dương, doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương còn chuyển nhượng khu 145 ha đất công cho 2 doanh nghiệp tư nhân.
Cụ thể, vào năm 2007, Công ty TCT Bình Dương ký hợp đồng liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc để lập ra Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Thành, vốn điều lệ 30 triệu USD nhằm thực hiện dự án “Câu lạc bộ sân golf & Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” tại TP Thủ Dầu Một.
KTCT Bình Dương góp 30% vốn điều lệ bằng quyền sử dụng đất với diện tích 150 ha được định giá 9 triệu USD và phải tự chịu chi phí đền bù, giải tỏa, tái định cư. Về phía 2 công ty của Hàn Quốc góp 21 triệu USD (70% vốn điều lệ). Đến ngày 2/11/2007, Công ty Tân Thành được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó 2 công ty Hàn Quốc chỉ góp vốn điều lệ được 5,2 triệu USD (tương đương 17,33% vốn điều lệ).
Không thể góp đủ vốn theo thỏa thuận ban đầu nên vào năm 2011 phía đối tác liên doanh Hàn Quốc lấy lý do gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp tục dự án và đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Tân Thành cho Công ty Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển.
Đáng nói, trong hợp đồng liên doanh giữa TCT Bình Dương với 2 công ty Hàn Quốc quy định: “Việc chuyển nhượng cổ phần đã góp được thực hiện theo các quy định của điều lệ. Tuy nhiên, không cổ đông sáng lập nào được phép chuyển nhượng vốn góp trước khi các cổ đông sáng lập hoàn tất việc đóng góp đầy đủ vốn điều lệ là 30 triệu USD và trước khi công ty thanh toán đầy đủ giá trị còn lại của khu đất là 15 triệu USD cho TCT Bình Dương”.
Thỏa thuận đã được định bằng văn bản nhưng việc chuyển nhượng sau này dù vi phạm nhưng TCT Bình Dương vẫn không có ý kiến ngăn chặn, vẫn để việc “chuyển nhượng vốn góp cũng như góp thay vốn” diễn ra dẫn đến các hệ lụy sau này.
Biến “đất công thành ông” như thế nào?
Sự “ra đi” của hai doanh nghiệp liên doanh Hàn Quốc để nhượng cổ phần lại cho hai công ty Việt Nam với lý do “rất hợp lý” là kinh tế suy thoái. Thế nhưng, quá trình tìm hiểu của PV thì nhận thấy có nhiều điểm bất thường. Theo đó, hai công ty nhận chuyển nhượng vốn trong khối liên doanh mới gồm: Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển đều có “hình bóng” của vị Chủ tịch Tổng công ty TCT Bình Dương Nguyễn Văn Minh.
KTheo đó, người đại diện pháp luật của Công ty Phát Triển chiếm 32% vốn trong liên doanh là con gái của Chủ tịch TCT Bình Dương tên Nguyễn Thục Anh. Mặt khác, chính bà Anh cũng đồng thời là một cổ đông lớn của Công ty Hưng Vượng. Trong khi, Chủ tịch TCT Bình Dương Nguyễn Văn Minh chính là người đứng đầu Công ty Hưng Vượng (chiếm vốn lớn nhất 38% trong liên doanh).
Để thực hiện kế hoạch chuyển nhượng đất giá “bèo” chưa từng thấy đưa về tay công ty “nhà” sau này, vào năm 2007, ông Nguyễn Văn Minh với vai trò là Chủ tịch TCT Bình Dương đã tự định giá 6 USD/m2 cho diện tích đất trên 145ha. Thế nhưng, đến năm 2017 TCT Bình Dương (lúc bấy giờ ông Minh vẫn còn là Chủ tịch HĐTV) vẫn không thay đổi giá cách đó 10 năm để ký “hợp đồng góp vốn” với Công ty Tân Thành, công ty cũng do chính ông Minh làm Chủ tịch HĐQT.
Việc định giá đất vào thời điểm chuyển nhượng trên trái với quy định của UBND tỉnh Bình Dương. Cụ thể, vào năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành bảng giá đất từ 2,450 – 19,660 triệu đồng/m2 cho từng vị trí tại khu vực dự án sân golf 145 ha đất trên. Nếu áp dụng chuẩn khung giá theo quy định thì khu đất chuyển nhượng này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, việc chuyển nhượng và định giá không sát thực tế đồng nghĩa với việc gây thất thoát ngân sách Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Quá trình tìm hiểu về nguồn tài chính của TCT Bình Dương, chúng tôi còn phát hiện có “có vấn đề” bất ngờ sau thương vụ chuyển nhượng vốn từ 2 doanh nghiệp Hàn Quốc. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của TCT Bình Dương thể hiện đang đầu tư hơn 196,3 tỷ đồng (chiếm 30% giá trị vốn chủ sở hữu tại Công ty Tân Thành), như vậy giá trị Công ty Tân Thành tương đương 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại văn bản giải trình số 76/TCTY-TGĐ ngày 25/7/2019 về “Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính riêng cho kỳ kế toán từ 01/11/2018 đến 31/12/2018” của TCT Bình Dương gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại thể hiện giá trị của Công ty Tân Thành hơn 5.744,5 tỷ đồng (tăng 5.094 tỷ đồng, sau khi nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất của TCT Bình Dương).
Có thể nói, từ thương vụ chuyển nhượng đất giá rẻ đã giúp 2 công ty gia đình vị Chủ tịch TCT Bình Dương Nguyễn Văn Minh có số tiền “khủng” trên. Khu đất 145 ha góp vốn để thành lập liên doanh tự định giá trị đất 6 USD/m2, tương ứng quy đổi thành hơn 139.2 tỷ đồng để có được 30% vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành. Sau đó lại phải bỏ ra đến 964,3 tỷ đồng để mua lại 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành (vì sau khi chính thức nhận phần vốn góp bằng QSDĐ vào năm 2017 với giá rẻ như bèo từ TCT Bình Dương, thì giá trị Công ty Tân Thành tăng đến 5.744,5 tỷ đồng). Trong khi đó, chỉ với 21 triệu USD góp vốn điều lệ của Công ty Tân Thành…thì 2 cổ đông (là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển) đã có trong tay hàng nghìn tỷ đồng giá trị tại Công ty Tân Thành.
Liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất này, cơ quan chức năng cho biết vẫn đang điều tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét